Nếu cơm gà, mì Quảng hay bánh trang cuốn thịt heo đều được các nhà hàng Việt mang đi muôn nơi, thì cao lầu lại là một trường hợp rất khác, bởi để làm được món cao lầu đúng điệu, nhất định cần có những gia vị, phụ liệu made in Hội An.
Muốn làm cao lầu phải sử dụng nguồn nước ngon, không phèn, không hóa chất từ chính Hội An. Trước đây, người ta hay làm cao lầu bằng nước lấy từ giếng Bá Lễ, nhưng thực ra Hội An có nhiều nguồn nước cũng ngon không kém để có thể làm ra sợi cao lầu. Điều quan trọng nhất để làm nên loại mì “made in Hội An” này là phải có thứ nước trong, chắt từ nước ngâm tro củi Cù Lao Chàm để trong 3 tháng. Thứ nước tro này sẽ mang đến cho sợi cao lầu màu nâu – vàng nhạt đặc trưng cũng như hương vị thơm dịu trong từng sợi.
Dù cách chế biến sợi cao lầu khá kì công, nhưng thành phần của món này lại rất dân dã. Tô cao lầu gồm sợi cao lầu trụng qua nước sôi thêm vài lát thịt xíu, vài miếng tép mỡ (da heo chiên giòn) hay những miếng cao lầu khô thái vuông đã chiên giòn, đi kèm đó là rất nhiều loại rau thơm của làng Trà Quế. Khi mang cho khách, người bán sẽ chan thêm một chút nước sốt xá xíu. Khi ăn, đừng quên cắt chút chanh, thêm chút sốt ớt cay xé đặc trưng của xứ Hội rồi trộn đều trước khi ăn, có thể bạn mới cảm nhận được trọn vẹn vì ngon của món.
Những sợi cao lầu thái dày, vừa mềm, vừa dai, vừa giòn nhẹ ăn kèm đủ loại rau Trà Quế thơm nức khiến vị giác người khó tính cũng phải gật gù. Đấy, ai bảo ăn ngon cứ phải là nhiều thịt thà hay nguyên liệu đắt đỏ. Cao lầu chính là một minh chứng sống cho việc những nguyên liệu bình dị hoàn toàn có thể tạo nên một món ăn ngon hoàn hảo và ghi điểm tuyệt đối trong lòng cả người dân địa phương lẫn du khách nước ngoài.
Nguồn: Trí Thức Trẻ