Tại sao đến Hội An lại phải ăn bánh mì trong khi bánh mì vốn không phải là món ăn được sinh ra từ Việt Nam, càng không phải do người dân Hội An nghĩ ra? Hơn nữa, bánh mì thì nơi nào trên khắp Việt Nam này chẳng có cơ chứ?
Những thắc mắc trên đều đúng cả. Có điều khi mà bánh mì Hội An đã chinh phục biết bao cái miệng sành ăn của cả người bản địa lẫn du khách quốc tế. Thậm chí nhiều đầu bếp nổi tiếng còn phải tặng danh hiệu “bánh mì ngon nhất thế giới” cho chiếc bánh người Hội An làm ra, thì chẳng có cớ gì để ta đến Hội An mà không thử món ăn đường phố giá cực bình dân mà ngon nức tiếng này đúng không?
Cái ngon, cái độc đáo của bánh mì Hội An nằm ở chiếc bánh mì nhỏ nhưng vỏ giòn, ruột mềm và hàng chục loại nhân cực phong phú. Nào chả, dăm bông, pate, thật xá xíu, gà xé, thịt xông khói, phô mai, trứng các loại sốt, mayonaise tự làm được các cô bán hàng “nhồi” thật hào phòng vào chiếc bánh. Chưa kể các loại rau thơm Trà Quế cũng khiến mỗi miếng cắn càng thêm thi vị.
Với bánh mì Hội An, mỗi miếng cắn là sự kết hợp hài hòa của bánh giòn, nhân béo, thanh mát của rau thơm. Chỉ đơn giản thế thôi, những cũng đủ để tạo ra “một trời thương nhớ” cho thực khách. Nói không ngoa, thì để cụm từ “banh mi” đã đi vào từ điển Oxford, hẳn đã có một phần đóng góp của những chiếc bánh mì xinh xẻo, giòn thơm ở phố Hội này.
Những món tôi kể ra trên đây, hẳn sẽ có người cười bảo quá bình thường. Nhưng tôi tin rằng, món ăn dân dã chính là thứ phản ánh rõ rệt nhất đặc trưng của mỗi vùng miền. Nhìn vào cách bày biện, tìm hiểu về cách chế biến, nếm hương vị, ta như thể nghe được một vùng đất kể chuyện.
Nguồn: Trí Thức Trẻ